Hậu quả và ý nghĩa Trận_Trường_Bình

Các nhà sử học Trung Quốc xác nhận rằng tính đến thời điểm xảy ra trận Trường Bình, đây là vụ thảm sát lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại[14]. Nước Triệu bị tổn thất nặng về nhân sự và cả nước bị chấn động[10].

Thừa thắng ở Trường Bình, Bạch Khởi chia quân làm ba hướng, một cánh đi về hướng đông, vượt qua dãy núi Thái Hàng tiến đánh Vũ An[15] áp sát kinh đô Hàm Đan của nước Triệu, một cánh tiến về phía bắc để bình định Thái Nguyên, một cánh do Bạch Khởi đích thân chỉ huy, đóng giữ Thượng Đảng, chờ thời cơ tiến vây kinh thành Hàm Đan, tạo ra thế uy hiếp nước Triệu từ hướng Tây sang hướng Đông để tiêu diệt nước Triệu.

Tuy nhiên trong tình thế như vậy, Bạch Khởi lại bị sự ghen tỵ của thừa tướng Phạm Thư. Vốn nước Triệu bị kinh động vì tổn thất trong trận Trường Bình, bèn nhờ Tô Đại (em Tô Tần) làm thuyết khách sang nước Tần xúi giục Phạm Thư. Nghe lời Tô Đại, Thư sợ công lao của Bạch Khởi quá lớn sẽ lấn át mình, nên nói với vua Tần Chiêu Tương vương chấp nhận lui quân giảng hòa với điều kiện nước Triệu dâng hiến sáu thành. Triệu Vương đồng ý dâng 6 thành để tranh thủ thời gian hoà hoãn, cho gọi lại Liêm Pha làm tướng, chỉnh đốn lại binh mã, củng cố quốc phòng.

Bạch Khởi nhận lệnh lui quân về nước, tiếc công lao của mình và tướng sĩ phải bỏ dở, hỏi ra mới biết là ý đồ của Phạm Thư. Từ đó giữa Khởi và Thư có hiềm khích. Cuối cùng Thư gièm pha với Tần Chiêu Tương vương sát hại Bạch Khởi năm 257 TCN.

Trận Trường Bình là một trong những trận đánh lớn nhất thời Chiến Quốc. Chiến thắng của quân Tần không chỉ khẳng định tài năng quân sự của Bạch Khởi mà còn khuếch trương sức mạnh của nước Tần với 6 nước Sơn Đông vốn luôn phải ở thế phòng thủ trước quân Tần từ nhiều năm.

Nước Triệu bị tổn thất nặng nề, không bao giờ khôi phục lại được sức mạnh như trước, bị nước Tần lấn chiếm dần và cuối cùng bị Tần đánh chiếm Hàm Đan năm 228 TCN rồi tiêu diệt hoàn toàn năm 222 TCN.

Liên quan